“Em nào chưa nhuộm lại, cô sẽ cắt bỏ”, cô L. thông báo trên nhóm của lớp. Tới ngày 22/3, khi kiểm tra thấy tóc em P. vẫn chưa đúng quy định, cô L. đã rất bực mình, muốn xử lý để làm gương nên xảy ra sự việc ồn ào...
Theo cô giáo này chia sẻ khi gặp gia đình em P., mục đích của cô “chỉ vì mong muốn các em trưởng thành, có ý thức kỷ luật nên trong lúc nóng giận, tôi đã có hành động bột phát”...
Những hình ảnh xôn xao dư luận tuần qua. Ảnh: VietNamNet. |
Với sự việc học sinh bị phạt quỳ, khi đó, lãnh đạo phòng giáo dục địa phương khẳng định hành vi này không đúng quy định của ngành, vi phạm đạo đức nhà giáo và làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh người giáo viên.
Về việc cô giáo cắt tóc học sinh, ông Phạm Khương Duy - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc - chia sẻ: “Sự việc xảy ra đáng tiếc, không mong muốn đối với cả giáo viên, học sinh, gia đình và xã hội, làm ảnh hưởng đến môi trường giáo dục nói chung. Đây là bài học giáo viên toàn ngành cần soi chiếu, không để xảy ra sự việc đáng tiếc tương tự”.
Tuy nhiên, với hai sự việc nói trên và với không ít vụ việc liên quan tới học trò, đã có không ít bình luận như: "Cô này dại chứ tôi không để ý đâu. Không ai trả tiền để mình làm việc đó, kệ học sinh thôi, bố mẹ nó còn không dạy được mình là gì", "Rồi giáo viên họ sẽ mặc kệ nhân cách của trẻ, thiệt thòi sẽ là người dân mà thôi".
Một độc giả khác nói: "Tôi không đồng ý với việc xúc phạm danh dự, thân thể học sinh nhưng tôi cũng thấy giáo viên bị tước hết quyền, chỉ còn khuyên nhủ, khích lệ, động viên... Thử hỏi có cha mẹ nào chỉ làm được thế với con em?”… Những bình luận này của người ngoài ngành, thậm chí từ chính những người đang đứng trên bục giảng.
Anh Quang Khải - một phụ huynh thế hệ 7X - nhìn nhận bản thân anh không cổ súy việc dùng các hình phạt (cả thể chất lẫn tinh thần) với học sinh, nhưng thực sự "nghề giáo giờ quá mong manh và dễ tổn thương".
"Ngày trước, tôi đi học rất nể sợ thầy cô, mỗi lần có lỗi chỉ biết im lặng len lén về nhà. Cha mẹ rất tôn trọng và luôn mong thầy cô dùng các hình thức kỷ luật, kể cả dùng thước đánh vào tay, vào mông, đứng lên bảng... để giáo dục con", anh kể.
Phụ huynh này cho hay ngày nay, chỉ cần học sinh về nhà nói (chưa biết thực hư) bị ai đó ức hiếp hay thầy cô tét mấy cái vào tay... là phụ huynh mặc nhiên coi đó là bạo lực, rồi đến tận trường đòi công bằng. Kéo theo đó, việc đầu tiên là giáo viên bị đình chỉ lên lớp rồi đăng đàn xin lỗi học sinh, nặng hơn thì bị kỷ luật.
"Đó là sự mất công bằng kinh khủng đối với nghề giáo. Đã là giáo dục, phải có thưởng có phạt. Giờ 'vô thưởng vô phạt' thì việc giáo viên vô cảm, thu mình để bán cái chữ cũng là điều dễ hiểu", anh Khải nhận định.
Thầy giáo Minh Phương (giáo viên THCS ở Tiền Giang) cũng chia sẻ với VietNamNet: "Có thể nói chưa giai đoạn nào mà giáo viên 'mất giá' như hiện nay. Học sinh vi phạm, thách thức, vô lễ… đa phần giáo viên chỉ biết 'ngậm bồ hòn làm ngọt', đành im lặng, cam chịu… để được yên thân. Giáo viên ngày càng vô cảm, thu mình và 'sợ' học sinh mình dạy là điều có thật trong giai đoạn hiện nay".
Một cô giáo ở TP.HCM, với gần 20 năm trong nghề, cho rằng giáo viên ngày nay phải rất biết kiềm chế.
"Học sinh ở lứa tuổi cấp 2, cấp 3 rất dễ suy diễn lời nói của giáo viên. Bên cạnh đó, bây giờ các thiết bị di động quá phổ biến, học sinh và cả phụ huynh luôn sẵn sàng tung lên mạng các tin nhắn, hình ảnh, clip nếu có sự việc không hay xảy ra. Nên tôi tâm niệm rằng nếu xét thấy phê bình, khiển trách... như Bộ GD&ĐT cho phép làm mà vẫn không thay đổi được học sinh thì... thôi, để công việc của mình khỏi bị ảnh hưởng”, cô giáo này chia sẻ.