Ban tổ chức triển lãm “Dáng ngọc” cho biết, ngoài bộ sưu tập quý giá của Holbé, công chúng còn được ngắm nhìn cổ ngọc của bác sĩ Dương Quỳnh Hoa (Dương Hà).
Bộ sưu tập Dương Hà do hai vợ chồng GS. Dương Minh Thới và bà Hà Thị Ngọc - song thân của bác sĩ Dương Quỳnh Hoa (Bộ trưởng Bộ Y tế Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) sưu tầm vào những năm 1930 - 1940. Đây là bộ sưu tập công phu với gần 3400 hiện vật.
Ngoài hiện vật ngọc, bộ sưu tập Dương Hà còn các loại bình gốm men Nhật Bản có niên đại thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 21. Bên cạnh đó là bộ đỉnh đồng tam khí cổ của Việt Nam, cối và chìa vôi của Campuchia, bình điếu bằng gỗ cẩn xà cừ Việt Nam. Bộ sưu tập đa dạng có niên đại trải dài từ thời tiền sử đến đầu thế kỷ 20.
Các hiện vật được chọn lọc kỹ để trưng bày trong triển lãm “dáng ngọc”, nên ngoài các cổ ngọc Việt còn có những hiện vật nước ngoài. Trong đó, có cổ ngọc đựng ngũ cốc dùng trong tế lễ với phần quai cầm hai bên được trang trí bằng hình tượng rồng qua các thời kỳ văn hóa Trung Hoa.
Đồng thời không thể thiếu nhóm hiện vật “văn phòng tứ bảo”, với những chi tiết hoa văn cực kỳ tao nhã và tinh tế. Nhóm hiện vật này từng được tầng lớp trí thức, quý tộc phong kiến sử dụng – là vật trưng cho phú quý và an khang.
Bên cạnh đó là nhóm hiện vật thể hiện quyền lực, địa vị của người sử dụng như nhẫn cung thủ, gậy ngọc như ý, ngọc bội, móc thắt lưng, khóa thắt lưng, mảnh trang trí… với các đường nét chạm khắc đa dạng, khéo léo của các nghệ nhân xưa.
Ở khu vực Đông Nam Á có các loại hình tượng Phật, đồ đựng như bát, chén, bình ngọc được khai thác nguyên liệu và sản xuất tại Thái Lan, Myanmar trong sưu tập hiện vật nghệ thuật châu Á và sưu tập Vương Hồng Sển.
Quan niệm của người phương Đông xưa cho rằng, ngọc biểu trưng cho sự giàu có, quyền lực, vẻ đẹp và sự quý phái. Với ưu thế về độ cứng song lại rất dẻo, muôn sắc màu rực rỡ và huyền ảo, ngọc không chỉ quý hiếm về chất liệu và vẻ đẹp mà còn được tôn sùng vì những giá trị, ý nghĩa vĩnh cửu. Người xưa tin rằng, ngọc có những tính năng siêu phàm như trị bệnh, phong thuỷ và giúp việc học hành hay làm ăn luôn hanh thông, thuận lợi.
Nếu như năm 2021, Bảo tàng Lịch sử TPHCM mở kho online để công chúng được “tiếp xúc nhẹ” với cổ ngọc, thì hôm nay lần đầu tiên bảo tàng trưng bày trực tiếp để vẻ đẹp kỳ ẩn của cổ ngọc được soi sáng dưới ánh nhìn mê đắm của người thưởng ngoạn.
Trái ngược với sự thô sơ về kĩ thuật chế tác của thời tiền - sơ sử và 10 thế kỷ đầu Công nguyên, thời Lê - Nguyễn là thời kì nở rộ về cả số lượng và chất lượng cổ ngọc. Đặc biệt, cổ ngọc thời Nguyễn thể hiện sự phát triển vượt bậc về kĩ nghệ chạm khảm trên chất liệu ngọc. Nhiều bộ sưu tập ngọc khá lớn đã ra đời dưới các triều đại vua Nguyễn với loại hình đa dạng, màu sắc phong phú được các nhà nghiên cứu đánh giá cao.