Cùng có những khó khăn khi theo học tại lớp giống như bà Đà nhưng ông Thu cho rằng bản thân sẽ cố gắng hết sức để theo học. Gần 4 năm theo học tại lớp tiếng Anh miễn phí, ông Thu đã có thể xử lý được những lỗi nhỏ trên máy tính, chia sẻ, nói chuyện đơn giản với các cháu bằng tiếng Anh. Điều quan trọng nhất theo ông Thu là bản thân đã tạo được cảm hứng cho con cháu về tinh thần học tập.
Ông Thu cho biết, bản thân ông hay sử dụng máy tính tại nhà. Trước đây, khi chưa đi học, nếu máy tính bị hỏng, ông cũng chỉ biết mang ra thợ để sửa. Tuy nhiên, từ khi học tập tại lớp, biết được kiến thức về tiếng Anh nên không ít lần ông đã có thể mày mò, tự khắc phục được những lỗi đơn giản của máy tính.
“Đi vào sân bay, tôi có thể đọc và hiểu được “check in” là gì, lối ra, lối vào như nào. Quan trọng hơn, các cháu ở nhà khi thấy ông lớn tuổi nhưng vẫn đều đặn đi học để lấy kiến thức nên chúng cũng nâng cao tinh thần học tập hơn”, ông Thu hào hứng chia sẻ.
Lớp tiếng Anh mở tại nhà của bà Thắng do chị Phùng Hải Yến (30 tuổi) giảng dạy. Mặc dù là một nhân viên văn phòng nhưng đều đặn cứ 9 giờ sáng thứ 3 hàng tuần, chị Yến lại có mặt tại phòng 204 khu tập thể B1 nằm trên đường Nguyễn Công Hoan để truyền thụ kiến thức, tâm sự và chia sẻ với những “học viên đặc biệt” của mình.
Chia sẻ về cơ duyên giảng dạy tại lớp học đặc biệt này, chị Phùng Hải Yến kể, bản thân biết đến hoạt động của lớp học từ 4 năm trước trong một lần đi dạy hộ. Sau buổi dạy hộ đó, nhận thấy sự đam mê, thích thú khi được học tiếng Anh của các cụ nên chị Yến đã quyết định đăng ký giảng dạy và gắn bó đến hôm nay.
“Khi dạy trên lớp, các bác đã truyền rất nhiều cảm hứng cho tôi. Mỗi ngày được đến lớp, được gặp gỡ, trao đổi, truyền thụ kiến thức cho các bác là một ngày tràn đầy năng lượng, tràn đầy niềm vui đối với tôi.
Nhìn thấy các bác tuổi đã cao mà vẫn hằng ngày, hằng tuần cắp sách đến lớp học đều đặn, không nghỉ buổi nào, thậm chí có những bác còn bị ốm nhưng vẫn cố gắng đạp xe, bắt xe ôm vượt những quãng đường rất xa để đến lớp học. Tinh thần học tập của các bác đã truyền cho tôi rất nhiều động lực.
Từ đó, tôi tự đặt ra cho mình câu hỏi rằng tại sao mình trẻ như thế này mà không cố gắng dành một chút kiến thức của bản thân để cống hiến cho cuộc đời”, chị Yến cho biết.
Theo chị Yến, do những học viên tại lớp tuổi đã cao nên việc học của các bác cũng như việc giảng dạy của chị gặp rất nhiều khó khăn. Những ngày đầu tiên, các học viên không thể phát âm được do cơ miệng, lưỡi đã cứng. Tuy nhiên, qua nửa năm kiên trì học tập, các bác đã dần dần làm quen với cách phát âm tiếng Anh.
Chị Yến hào hứng kể: “Cũng nhờ quá trình thường xuyên học tập, luyện tập, dần dần, cơ miệng của các bác đã linh hoạt hơn. Khi đó, các bác bắt đầu bập bẹ những từ tiếng Anh đầu tiên. Trong các buổi học, tôi hay nói vui là: “Các bác đang bắt đầu học lớp mẫu giáo như các cháu bé. Khi nào các bác học xong quyển giáo trình 1, cháu sẽ cấp cho các bác một chứng chỉ để các bác tốt nghiệp lớp mầm””.
Khởi đầu khó khăn nhưng theo chị Yến, qua năm đầu, gần như các học viên đã vượt qua hết những “rào cản” về tuổi tác và cũng kể từ đó, các bác tự nhiên có niềm yêu thích với tiếng Anh. Chị Yến cũng chia sẻ rằng, tinh thần học tập của những học viên cao tuổi là rất tuyệt vời khi các bác đều cố gắng học tập, quyết tâm làm hết các bài tập chị giao.
Thấu hiểu được sự khó khăn khi học tiếng Anh của học viên, chị Yến luôn tạo không khí thoải mái để cho các bác cảm giác mỗi ngày đến lớp là một ngày vui. Là một người yêu mến và kính trọng những người cao tuổi nên mỗi khi lên lớp, bản thân chị Yến cũng dành những sự quan tâm tới các học viên. Bác nào khó khăn trong việc phát âm đều được chị Yến đến tận nơi và chỉnh sửa từng chút, từng chút một.
“Khi mới đầu làm quen với tiếng Anh, các bác cứ học trước, quên sau. Những lần như vậy, tôi cũng tâm sự rằng các bác đều tuổi cao, nếu không cho trí não hoạt động thì lâu ngày não bộ của các bác sẽ cứ đứng yên, lâu ngày sẽ dẫn đến tình trạng nhớ nhớ, quên quên.
Mỗi khi tâm sự như vậy, bản thân các bác cũng chia sẻ rằng khi không còn nhớ được gì sẽ là gánh nặng cho con cháu, cho nên các bác sẽ cố gắng học tập để rèn luyện trí óc trở nên minh mẫn hơn”, chị Yến chia sẻ.
Mỗi giờ lên lớp, chị Yến tâm sự rằng bản thân cũng muốn truyền cho các học viên của mình một thông điệp rằng mặc dù bản thân các bác đã nhiều tuổi nhưng vẫn có thể tạo ra giá trị, vẫn giúp ích được cho cuộc đời. Người nữ tình nguyện viên cũng luôn tâm niệm rằng cuộc đời muốn nhận lại thì phải cho đi và việc giảng dạy tiếng Anh cho những học viên lớn tuổi giúp chị nhân lại được rất nhiều thứ. Trong lớp học đặc biệt ấy, chị Yến vừa là “cô” nhưng cũng đồng thời là “trò”.
“Các bác cứ gọi tôi là giáo viên nhưng thực sự chính các bác mới là người thầy, cô giáo dạy cho tôi rất nhiều điều trong cuộc sống, giúp tôi trưởng thành, có nhiều kiến thức, kỹ năng. Khi đi học, các bác thường mặc quần áo rất chỉnh tề và hầu như bác gái nào cũng sẽ mặc một tà áo dài rất là đẹp. Buổi đầu tiên lên lớp, điều đầu tiên tôi thấy là bất ngờ và vui. Tuy nhiên khi nghe các bác chia sẻ lý do, tôi lại thấy rất xúc động. Các bác bảo mặc áo dài đến lớp là để thể hiện sự tôn trọng đối với người giáo viên. Các bác già rồi, xấu lắm nhưng khi đến lớp phải mặc đẹp để người giáo viên có cảm hứng để giảng bài”, chị Yến chia sẻ.
Giữa nơi phố thị ồn ào, náo nhiệt, đều đặn 4 năm qua, tại một căn hộ tập thể cũ vẫn có những học viên với mái đầu đã bạc trắng ngồi chăm chú nghe người nữ giáo viên trẻ tuổi truyền thụ những từ tiếng Anh “vỡ lòng”. Ở cái tuổi mà nhiều người nghĩ lẽ ra nên dừng việc học để nghỉ ngơi thì những học viên cao tuổi tại lớp học tiếng Anh đặc biệt này đã và đang chứng minh một điều rằng “không bao giờ là quá muộn để chúng ta học hỏi và trau dồi kiến thức”.