Lần thứ 2 ở kho cảng Hải Phòng. Vì kho xây cao quá, xà gồ nhiễm mối ở đỉnh kho phải cao tới 7 - 8m. Không có thang đủ cao, tôi phải trèo lên mái nhà, dỡ ngói mà xuống. Muốn lên đỉnh mái, phải chui qua đường điện trên mái. Tôi phải trườn người qua, may điện không hút vào, chứ không đã thành than. Bây giờ ngồi nhớ lại vẫn còn tim đập, tay run.
Lần thứ 3 là ở nhà máy thuốc lá Thăng Long, Thượng Đình, Hà Nội. Đang phun thuốc diệt mối, do điện hở dính vào bình bơm thuốc, may mắn người văng ra, chỉ hơi bị tê tê. Lần thứ 4, ở kho vũ khí đạn trên Hòa Bình. Trưa nóng quá, không ngủ được, tôi và cậu cán bộ trẻ rủ nhau đi đào tổ mối ở ven đường đi, cách kho vài trăm mét.
Tưởng an toàn, khi đang cuốc để bới tìm hoàng cung và mối chúa, được khoảng 4 - 5 nhát cuốc, đến nhát cuốc chuẩn bị bổ xuống, tôi nhìn thấy một trái lựu đạn phủ đất văng ra, vội nhảy vào giữ tay cậu cán bộ trẻ. Nếu nhát cuốc đó bập xuống, chắc tôi và cậu cán bộ trẻ đã ở trên thiên đường từ lâu rồi”, GS Hiển kể.
Phần thưởng sau mỗi lần đi diệt mối cũng khá thú vị. Thời đó chủ yếu diệt mối ở các kho của Bộ Nội thương. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, bao giờ nhóm cũng được mua, không có tặng, một vài mặt hàng như 2 - 3m vải may áo cho con, cho vợ hoặc một vài yến gạo cho cả đoàn.
GS Bùi Công Hiển là một trong những người tiên phong nghiên cứu về côn trùng, có nhiều thành tựu trong lĩnh vực khoa học này. |
Một lần, khi đi công tác ở Tây Nguyên, tình cờ dạt vào cửa hàng Bách hóa, thấy bán áo sơ mi trắng tự do, không phiếu. Thế là mỗi anh xin mua 2 chiếc về làm quà hoặc để diện. Thì ra, ở Tây Nguyên, đất đỏ Bazan rất tơi, nên bụi nhiều.
Do vậy, người dân ở đây ít mặc áo màu trắng, nên áo sơmi trắng bị ế, phải bán tự do. Khi xử lý mối cho các kho vũ khí đạn, lúc ra về, nhóm được tặng, mỗi người 1 catut (vỏ đạn) đại bác làm kỷ niệm. Kỷ niệm này GS Hiển còn giữ đến bây giờ, để Tết đến Xuân về cắm hoa đào.
“Đến bây giờ tôi đã ngoài 80 tuổi, vẫn còn nhớ những chuyện 40 năm về trước, về “những giọt mồ hôi mùa hè”. Sức khỏe này chắc có từ hợp chất: “chất xám + chất mồ hôi” tích lũy từ tuổi trẻ”, GS Hiển hài hước.
Chân dung GS.TS Bùi Công Hiển. |
“Tôi nhớ lần đầu tiên trong đời, khi đỗ vào Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, bố tôi đã mua tặng và thưởng cho con trai đúng 1 cái áo may ô để làm sinh viên. Còn bây giờ, vợ tôi mua tặng cháu nội một chiếc áo may ô mới, rất đẹp, nhưng nó dứt khoát không mặc, với lý do “màu đỏ chứng tỏ nhà quê” - GS Bùi Công Hiển.
So sánh về niềm đam mê khoa học của thế hệ trẻ ngày nay so với ngày xưa, về thử thách giữa thu nhập và đam mê để theo đuổi, GS.TS Bùi Công Hiển đùa ví von: “Có thể nói người nghiên cứu khoa học ở Việt Nam không chết đói, nhưng đói cho đến lúc chết (từ đói ở đây theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng). Thời chúng tôi sống trong chế độ bao cấp, nên luôn có chỉ tiêu phải phấn đấu theo.
Thế hệ hiện nay có hoàn cảnh khó khăn và thuận lợi khác. Do vậy không thể và không nên so sánh. Chỉ có điều làm khoa học là phải đánh đổi. Đam mê ngày nay trả giá bằng đời sống khó khăn, lương thấp. Rất ít người làm khoa học mà giàu có. Tôi hàng tháng trời không có bữa trưa, nhưng vẫn phải lên lớp, vẫn phải ngồi phân tích mẫu ở phòng thí nghiệm. Nhưng không thể bảo như vậy là “say sưa” hơn”.
Ở đoạn cuối của cuộc đời, ông bảo không còn nhiều năng lượng để làm việc nữa. Điều ông băn khoăn, thôi thúc ông là thế giới côn trùng đa dạng, phong phú lắm. Côn trùng đem lại rất nhiều giá trị cho con người, trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Sao con người vẫn cứ say sưa “chiến đấu” với côn trùng bằng vũ khí “thuốc trừ sâu” của các hãng nước ngoài? Sao vẫn để một bộ phận người dân khai thác tận diệt những loài như sâu chít, sâu tre, ong khoái, kiến gai đen… mà không nhân nuôi thành các trang trại.
Sao không đưa côn trùng vào giáo dục và hoạt động văn hóa, du lịch như nhiều nước đã làm. Rồi có những loài côn trùng có giá trị vừa phải thôi, nhưng lại cứ bị thổi phồng lên với biết bao nhiêu công dụng thần kỳ. Để rồi người mua, vì thiếu hiểu biết, thậm chí có khi lại rước họa vào thân.
Khó khăn, muốn được làm theo đam mê thì phải tự khắc phục. “Thời chúng tôi là vào trong một đường ống, không có chuyện “tư nhân”… Bản thân tôi khi làm hợp đồng dịch vụ “chống mối, mọt” cho một đơn vị nào là hiệu trưởng ký, rồi ủy nhiệm cho thực hiện.
Tiền nong chi tiêu phải được thực hiện theo chế độ của tài vụ… Đoạn đường nuôi con, kiếm tiền và làm khoa học giống như bơi giữa biển. Lúc mỏi quá, thò chân xuống, vẫn chưa chạm đất; lại bơi tiếp. Rồi cuối cùng cũng đến bờ”, GS Bùi Công Hiển tâm tư.