Tranh trừu tượng tại Việt Nam manh nha từ giữa thập niên 1950 ở Sài Gòn, với các tác phẩm thuộc giai đoạn chuyển biến từ kỷ hà/ký hiệu sang bán trừu tượng của Tạ Tỵ. Rồi sau đó là tranh trừu tượng của Nguyên Khai và một số thành viên khác thuộc Hội Họa sĩ trẻ Việt Nam (ở Sài Gòn) trong các thập niên 1960 - 1970.
Bẵng đi gần 20 năm sau đó, với ý thức hệ câu nệ hiện thực, trừu tượng gần như chính thức vắng bóng ở Việt Nam. Các tên tuổi lớn như Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái và một số hoạ sĩ khác vẫn âm thầm thực hành trừu tượng, nhằm nghiên cứu nhận thức và triết lý, ít khi bày biện công khai.
Đến đầu thập niên 1990, từ Nguyễn Cầm (Paris) và Nguyễn Trung (Sài Gòn), trừu tượng mới làm cuộc trở lại, xuất hiện thêm một số tên tuổi đáng nhớ khác. Chừng vài năm sau đó, ở độ tuổi ngoài 20, Trần Vĩnh Thịnh đã mày mò vẽ trừu tượng.
Khám phá con đường nội tâm
Ngay khi còn đi học mỹ thuật, việc vẽ trừu tượng của Trần Vĩnh Thịnh vừa nhận về những ngạc nhiên, vừa nhận về cả thị phi. Những năm cuối thế kỷ 20, ở Nha Trang và miền Trung, mà theo đuổi trừu tượng, thì thường bị cho là “không biết vẽ nên mới quậy bậy”.
Vượt qua sự thị phi và cả sự ngạc nhiên đó, Trần Vĩnh Thịnh cứ nhẩn nha đi với trừu tượng cho đến ngày nay. Và triển lãm cá nhân “Từ trong vô tận” là một ví dụ thú vị cho hành trình phiêu du và kiên định của Trần Vĩnh Thịnh.
Trước khi “Từ trong vô tận” diễn ra, công chúng mộ điệu mỹ thuật trừu tượng đã quen thuộc với sắc vàng trong tranh Trần Vĩnh Thịnh. “Trước đây tôi cũng vẽ đủ thứ màu như các họa sĩ khác. Đến khoảng năm 2015, vô tình phát hiện rằng tôi thích vẽ như thế. Càng vẽ, tôi càng thấy quá phong phú trong cách dụng màu”, hoạ sĩ Trần Vĩnh Thịnh cho hay.
Màu vàng – ngoài sắc màu cung đình, cũng là màu trên sắc áo của tăng lữ Phật giáo Á Đông. Nhưng màu vàng, cũng là gam vàng tươi tốt của đất đai và cây cỏ, như niềm tin vào thiên nhiên và lao động của con người.
Trừu tượng có lẽ là một trường phái đưa tư duy con người đến sự vô cùng. Họa sĩ không thể đứng ngoài vòng xoáy của của xã hội, phải tự tìm tòi điều mình thấy thích hợp để sáng tác. Thường thì thời gian tôi suy nghĩ về đề tài, về cách diễn đạt, cách đặt vấn đề thì lâu, nhưng khi các “tứ” ấy đã chín thì việc thực hiện lại nhanh. Với trừu tượng, việc dừng lại đúng lúc là điều cực kỳ quan trọng. Đôi khi chỉ thêm một nét là hỏng, vì nó đẹp nhờ cảm xúc”.
Hoạ sĩ Trần Vĩnh Thịnh
Những sáng tác trừu tượng của Trần Vĩnh Thịnh, với từng đường cọ thấm nhuần xúc cảm nội tại và cách dụng màu phản ánh cảm thức vô bờ với thiên nhiên. Điều này mở ra chiều không gian bất tận trong mắt người xem và khơi gợi những mênh mang mường tượng về từng nhành cây, ngọn cỏ, con đường khắp miền Trung.
“Từ trong vô tận” – dù là kết quả của những năm tháng lưu lạc khắp các cung đường miền Trung, nhưng với bút lực của một hoạ sĩ từng trải thì đó không hẳn là những con đường vật lý. Người xem thấy trong tranh một con đường khác, con đường của nội tâm. Hoạ sĩ muốn người thưởng lãm không dừng lại ở bề mặt tranh, mà đi sâu vào thế giới tâm hồn để khám phá chính mình.